Trong câu chuyện “thầy bói xem voi”, thầy nào cũng có một mô tả đúng một vài chi tiết của vấn đề nhưng sai về tổng thể. Trong các mô tả tâm lý của một số môn bói toán cũng có những thông tin đọc tưởng rất hay nhưng không có ý nghĩa về tổng thể. Với một bài báo cáo mô tả tâm lý thực sự, thì cũng có thể liên quan đến những thông tin ấy nhưng kèm theo mức độ mạnh yếu, cao thấp, hay mức độ ưu tiên trước sau khác nhau.
Ví dụ:
- Ở góc độ “thầy bói xem voi” thường có những nhận định như: “Nhiều khi tỏ vẻ lạnh lùng, nhưng là người rất tốt bụng. Nếu có vẻ xa cách là bởi họ không biết cách hoặc khó biểu lộ cảm xúc.”
- Ở góc độ báo cáo tâm lý: Bạn có chỉ số hòa đồng ở mức độ trung bình trở lên, còn chỉ số hoạt bát, tự nhiên, hào hứng ở mức độ thấp. Bạn có thể cải thiện đặc điểm này bằng cách trau dồi kỹ năng giao tiếp và thực hiện các bài luyện tập để tăng các chỉ số trên. Các thông tin sẽ được phân tích và chứng minh bằng chỉ số cùng các phương pháp phát triển đi kèm.
1. Bói toán cung cấp các thông tin theo kiểu “thầy bói xem voi”
“Thầy bói xem voi” là một câu chuyện hài dân gian nhưng nếu bỏ qua yếu tố hài hước thì chúng ta sẽ thấy rằng đây là một câu chuyện sâu sắc nhắc nhở chúng ta cần phải tránh một loại sai lầm tư duy để có thể nhận thức đúng đắn.
Ví dụ một số câu nhận định thuộc thể loại “thầy bói xem voi”:
- Bạn thường mong muốn một cuộc sống tự do, được làm như ý mình muốn.
- Bạn thường mong muốn một cuộc sống đa dạng nhiều trải nghiệm.
- Bạn thường mong muốn sáng tạo ra cái mới, thay đổi truyền thống.
- Bạn thường mong muốn được tận hưởng cuộc sống: Mua sắm, tiệc tùng, vui chơi, du lịch.
- Bạn có năng lực nâng đỡ, kết nối, hòa giải các mối quan hệ.
- Bạn có năng lực lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, xoa dịu với người khác.
- Bạn có năng lực chữa lành, trao đi tình thương, giúp đỡ người khác.
- Bạn có năng lực gánh vác, chịu hy sinh, chịu thiệt thòi và gánh vác trách nhiệm.
Những câu trên đúng với hầu hết mọi người, ai cũng đang muốn hoặc đã từng có mong muốn giống như vậy. Cũng như câu: Con voi có vòi, có chân, có đuôi, đúng là vậy, nhưng nó không có nhiều ý nghĩa để miêu tả đúng và đầy đủ.
Hay một số câu khác:
- Bạn là rất trung thực và tin cậy, thường sẵn sàng đứng lên bênh vực và che chở cho những người thân của bạn.
- Với kẻ thù, bạn trở nên đáng sợ vì bạn rất khó quên những xích mích, dù nhỏ nhặt. Và khi đã bùng nổ tranh chấp hay hiềm khích, bạn sẽ chiến đấu đến cùng.
- Cương quyết, có óc thực tế, biết đánh giá đồng tiền tiêu pha một cách hợp lý, xứng đáng, không chặt chẽ về vấn đề tiền bạc nhưng cũng không phung phí tiêu pha liều lĩnh.
- Rộng rãi với gia đình, bạn bè nếu cho rằng đó là người biết kiếm tiền, biết sử dụng đồng tiền.
- Bạn thích tìm hiểu chuyện gì thực sự đã xảy ra. Nếu bạn nghĩ ai đó thiếu trung thực, bạn sẽ tìm kiếm manh mối để vạch trần. Bạn không thích cảm giác bị qua mặt.
- Nhiều khi tỏ vẻ lạnh lùng, nhưng bạn là người rất tốt bụng. Nếu có vẻ xa cách là bởi bạn không biết cách hoặc khó biểu lộ cảm xúc.
- “Cái tôi” của bạn rất cao, nên có xu hướng áp chế người khác khi nóng nảy.
Và còn rất nhiều câu khác. Những câu trên mô tả một phần trong tâm lý con người, tất cả chúng ta đều có một phần những đặc điểm đấy bên trong, chúng ta có thể đã từng hoặc đang ở trạng thái như vậy, có tỷ lệ tương đồng lớn, hoặc trung bình với các mô tả như vậy, rất ít người hoàn toàn không giống như vậy.
2. Báo cáo tâm lý (Báo cáo sự nghiệp)
Những công cụ tâm lý học được phát triển dựa trên nghiên cứu thực nghiệm với rất nhiều cá nhân trong nhiều trường hợp, điều kiện, chứ không phải chỉ dựa trên những nhận định chung chung như nhiều môn bói toán.
Công cụ đo đạc tính cách được nhiều nhà khoa học tâm lý ủng hộ nhất hiện nay là công cụ BIG FIVE (Big Five Personality Traits) phân loại con người dựa trên 5 chỉ số:
- Tính tò mò, sáng tạo, thích khám phá (Openness)
- Tính tận tâm, trung thành, nghiêm túc (Conscientiousness)
- Tính tự tin, cởi mở, hào hứng (Extraversion)
- Tính dễ chịu, hòa đồng, tự chủ (Agreeableness)
- Tính nhạy cảm, dễ tự ái, dễ căng thẳng (Neuroticism)
Và một số nhà tâm lý như George Boeree còn bổ sung một vài chỉ số khác như:
- Tính linh hoạt (Flexibility)
- Tính tự trọng (Self-Esteem)
Từ các chỉ số này, nhà tâm lý có thể nhìn nhận ra một số ưu, nhược điểm của một cá nhân, từ đó gợi ý con đường phát triển, các kỹ năng cần bổ sung, ưu điểm để phát triển. Nhưng để khai thác thực sự hiệu quả thì cần có sự nghiên cứu nhất định, cần kiến thức để tổng hợp rồi đưa ra nhận định. Vì thế nhiều người có thể muốn bỏ cuộc và lựa chọn phương thức của các thầy bói.
3. Phân tâm học
Nếu bạn muốn hiểu về cách vận động của tâm trí, của ý thức, tiềm thức, vô thức. Bạn muốn tìm hiểu điều này để hiểu những điều góp phần hình thành tính cách của bạn. Bạn có thể tìm hiểu về phân tâm học. Một trường phái lớn là trường phái của nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Jung.
Lý thuyết của ông rất rộng, nhưng có một vài lý thuyết có thể sử dụng trong việc tìm hiểu tính cách của con người, như lý thuyết về các chức năng nhận thức. Trong lý thuyết của ông có 8 loại chức năng nhận thức được xếp vào 4 tầng chức năng là: Chủ đạo, bổ trợ, đang phát triển và kém phát triển. Đặc biệt là 3 chức năng chủ đạo, bổ trợ và đang phát triển như các mặt khác nhau trong tâm lý con người, có thể xuất hiện tùy theo một số hoàn cảnh, điều kiện. Nhờ thế mà ta có thể lý giải cho việc cùng một người, cùng trong một tình huống tương tự lại có những cách phản ứng khác nhau.
Tóm lại, cùng với mong muốn mô tả về tâm lý con người, nhưng cách “thầy bói xem voi” có vẻ đúng nhưng lại không có nhiều ý nghĩa, nếu may mắn thì vẫn hữu ích, nhưng nhiều trường hợp mang lại cho người dùng sự ngộ nhận. Còn cách mô tả dựa trên tâm lý học thì có giá trị nhận định đúng đắn hơn, nhưng lại cần học tập, nghiên cứu để sử dụng. Không phải lý thuyết tâm lý nào cũng hoàn toàn được chứng minh bằng thực nghiệm nhưng đem lại cho con người phương pháp luận mạnh lạc hơn, vẫn có thể giúp ích trong các hoạt động trị liệu và phát triển cá nhân.