Tại sao người yêu cũ lại thường giống nhau?

05 Tháng 07, 2023 Tác giả: admin

Có bao giờ bạn thắc mắc rằng những người yêu cũ của bạn đều có một điểm gì đó tương đồng

Có một cô gái đặt cho tôi câu hỏi rằng, tại sao những người yêu cũ của cô ấy đều có một số điểm giống nhau, các mối tình đó đều có nhiều drama, và đều có điểm chung là kết thúc bằng sự tan vỡ? Qua nhiều năm tư vấn cho khách hàng thì với tôi chuyện của em không phải lần đầu tôi gặp. Hay là có nhiều diễn viên nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới đều gặp tình trạng như trên. Thậm chí có nhiều người cả nam giới và phụ nữ sau nhiều lần bị bạo hành vẫn lựa chọn tái hôn với đối tượng tương tự, và điều không may lại tìm đến.

Vậy vấn đềđây ? 

Trong cuốn sách “How we love” các tác giả Milan Yerkovich và Kay Yerkovich đã nói lên sự ảnh hưởng của gia đình và thời thơ ấu đến cách yêu của mỗi người và giúp độc giả hiểu rõ hơn về bản chất của các mối quan hệ tình cảm.

Xét theo một khía cạnh nào đó, thì cánh cung của thần Cupid đã được giương lên từ quá khứ trước đó rất lâu, và mũi tên của hiện tại, phải vô cùng cố gắng thì mới thay đổi được đích đến.

Bốn hình mẫu bất ổn tình yêu sau đây giống như bốn cách giương cung lỗi của vị thần mang hình hài đứa trẻ thơ này vậy. 

Trước khi bắt đầu thì tôi cũng phải nói rằng, là một người nghiên cứu, thì tôi không hoàn toàn cho rằng những yếu tố dưới đây có thể áp dụng cho mọi trường hợp, để thêm tính phù hợp với những nghiệm lý cá nhân, tôi bổ sung yếu tố tính phản kháng, giống như một bản năng tố chất bẩm sinh, tạo nên điều kiện đủ, thúc đẩy con người có đầy đủ đặc điểm của các hình mẫu.

Ví dụ thực tế, có hai anh em tuy cùng trong một gia đình, hoàn cảnh bố mẹ giống nhau, nhưng sức phản kháng của mỗi anh em khác nhau, sẽ khiến cho mỗi người thể hiện hình mẫu bất ổn khác nhau. Thêm một điều nữa là một người có thể mang nhiều hình mẫu bất ổn khác nhau, tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện. Và cả những người có các mối quan hệ có kết nối lành mạnh, thì cũng thường mang một hình mẫu bất ổn nào đó ở một mức độ nhẹ nhàng.

Thêm một lưu ý nữa là một số khái niệm và tên hình mẫu mình tự đặt, tự diễn giải theo ý chủ quan của mình, bạn nào muốn biết đầy đủ có thể tự tìm hiểu cuốn sách ở trên.

Nguyên nhân chung của những hình mẫu bất ổn.

Các nguyên nhân đa phần đến từ thời thơ ấu, tuy nhiên điều này không nên hiểu theo hướng chúng ta đang đổ lỗi cho cha mẹ, hay đổ lỗi cho cuộc đời. Xét theo góc độ nào đó mỗi con người đều bị chi phối bởi môi trường và hoàn cảnh xã hội, hay nói một cách tâm linh và nghe có vẻ quen tai hơn đấy là chi phối bởi số phận. Vì thế chúng ta không nên tự trách mình vì tất cả mọi điều đến với chúng ta, và cũng không nên bắt cha mẹ chúng ta chịu trách nhiệm về tất cả những thiếu sót, những điều bất hạnh hay những điều không may đã đến với cuộc đời của họ. Và nếu bạn đang đọc, hay nghe những điều này, có nghĩa là số phận – hay một cách gọi theo trend, là vũ trụ đang mở cho mình cách để hiểu và khắc phục những điều chưa tốt và chúng ta cần phải biết ơn tất cả.

Phần lớn nguyên nhân của bất ổn tình cảm hình thành từ những cảm xúc xuất phát từ cảm nhận thiếu an toàn, cảm nhận rằng mình bị bỏ rơi. Nhưng, ở chiều ngược lại với những bạn được bao bọc, bị kiểm soát quá mức, cũng hình thành nên những hạt nhân cần khắc phục. Một yếu tố quan trọng nữa là những tổn thương tâm lý như tai nạn, bệnh tật, những thứ gây khủng hoảng trong cuộc sống thời thơ ấu, cha mẹ ly hôn, hay thậm chí là việc không may bị lạm dụng xâm hại cũng mang đến cho chúng ta những điều cần khắc phục.

1, Hình mẫu thứ nhất, là hình mẫu phụ thuộc. 

Cá nhân tôi thì đặc biệt hiểu về hình mẫu này, rất nhiều bạn sinh trưởng trong gia đình được bao bọc, kiểm soát quá mức mà cha mẹ không thực sự hiểu được các nhu cầu cần được quan tâm của các bạn ấy thì cũng dẫn đến những đặc điểm của hình mẫu này. Thường thì việc bao bọc kiểm soát quá mức cũng đi đôi với việc bị trách móc hoặc ít nhiều sự nghiêm khắc. Những điều trên cũng hình thành nên tính phản kháng của các bạn với môi trường không thực sự lớn.

Các bạn thuộc hình mẫu này thường có đặc điểm đáng chú ý là sợ bị bỏ rơi, sợ bị từ chối, các bạn ấy thường rất sợ mất người mình yêu, thường bị ám ảnh bởi độ thiếu bền vững của tình yêu, và xuất hiện những cơn bão hoài nghi, sợ hãi mỗi lần bị từ chối. Điều đó khiến họ luôn cố gắng xoa dịu, làm hài lòng tất cả mọi người từ cha mẹ đến những người xung quanh và đặc biệt là người yêu của họ.

Họ cố gắng nhận mọi trách nhiệm về mình và đề cao nhu cầu của người khác hơn chính nhu cầu của mình, và đôi khi là đồng hóa cảm xúc của người khác thành cảm xúc của mình. Khi họ nhận thấy rằng họ không thể làm gì cho người yêu của mình hài lòng được nữa thì họ sẽ trở nên sợ hãi và sụp đổ.

Họ là những người không thích xung đột, họ rất sợ những căng thẳng, điều đó dẫn đến họ tuyệt vọng, nhút nhát, thu mình lại, tìm cách nói dối để giảm xung đột, thậm chí chạy trốn khỏi vấn đề trong mối quan hệ.

Các bạn thuộc hình mẫu này cần phải bình tĩnh, đừng mải tập trung vào những lo lắng của mình hay những cảm nhận của người khác mà để tháo gở những khó khăn thì trước tiên các bạn cần phải tập trung vào cảm xúc của chính bản thân mình, và câu nói sống không vì mình trời tru đất diệt có thể là một câu slogan không tốt cho nhiều người khác nhưng lại tốt cho những hình mẫu này.

2, Hình mẫu tiếp theo là hình mẫu trốn tránh.

Ở hình mẫu này tôi có kết thân với một vài người nhưng tôi không thực sự cảm thấy hiểu một cách chắc chắn về họ. Ở họ có một tính phản kháng cao trước những bất ổn của môi trường thơ ấu, nhưng không đều đặn.

Có một đặc điểm thường thấy ở họ là cảm giác phải hy sinh cho người khác hay những nhu cầu của bản thân không được quan tâm. Luôn xuất hiện một cảm giác thiếu an toàn, sợ bị bỏ rơi và họ cố gắng trở nên tốt đẹp, bình tĩnh đáp ứng những nhu cầu để tránh khỏi sự bỏ rơi đó.

Hình mẫu này rất giống với hình mẫu phụ thuộc, nhưng ở một khía cạnh khác thì không biết có phải là bình tĩnh hơn hay là tệ hơn, bởi vì tuy cùng là sợ bị từ chối, nhưng họ lại lựa chọn con đường là không muốn mạo hiểm dấn thân vào các mối quan hệ. Họ cố gắng kiểm soát cảm xúc, sử dụng lý trí để kiểm soát tình cảm của mình. Họ tự tạo ra thói quen không gần gũi với ai, và dần dần, họ cũng cảm thấy rằng mình không thực sự thoải mái với sự gần gũi. Và đương nhiên là họ không thường thể hiện cảm xúc thật của mình, đôi lúc họ còn từ chối cảm xúc, thậm chí có những trường hợp tôi còn chứng kiến họ lựa chọn rời xa khi cảm thấy mình bắt đầu gắn bó với những xúc cảm mà mình không kiểm soát nổi hoặc chưa chuẩn bị tinh thần để tham gia vào mối quan hệ đó.

Tiếp xúc với họ, thì đôi khi tôi cảm thấy họ như thổi phồng những nhược điểm của mình. Nhưng với tôi thì những nhược điểm chỉ là cái cớ để họ lý giải cho những ẩn ức quá khứ đang đè nặng trong trái tim của họ.

Điều họ cần chính là học cách cởi mở, thể hiện cảm xúc trung thực của chính mình, cho mình cảm nhận và cho cả những người mình yêu quý cảm nhận.

3, Tiếp theo chính là hình mẫu ứng với cô em gái được nhắc đến ở trên –  hình mẫu cô đơn.

Hình mẫu này biểu hiện ở sự phản kháng không đều trước những nguyên nhân gia đình như sự thiếu an toàn, sợ bị bỏ rơi và cũng là việc nghĩ mình không phải là ưu tiên hàng đầu của cha mẹ. 

Và một cách tự nhiên, họ cố đi tìm tình yêu mà họ không cảm nhận được khi còn là một đứa trẻ. Họ muốn tái hiện một hình ảnh tươi đẹp nào đó trong quá khứ, một hình ảnh tươi đẹp nào đó trong cuộc đời. Họ quá kỳ vọng vào tình yêu, trong một mối quan hệ họ luôn sợ bị cô đơn, luôn sợ bị bỏ rơi, họ luôn cảm thấy nghi ngờ và nhạy cảm trước mọi thứ. Lo lắng và không an tâm rằng ngày mai chuyện tình cảm sẽ đi về đâu, lo sợ rằng cảm xúc hưng phấn của ngày hôm nay sẽ không còn nữa. Chúng ta cũng sẽ thấy được ở họ nỗi thất vọng khi không được quan tâm đúng cách, điều này có vẻ xuất phát từ việc đôi lúc cha mẹ của họ rất cưng chiều họ nhưng lại có lúc họ cảm thấy phớt lờ khi mọi thứ không được vui như ngày hôm qua nữa. Nghĩ đến điều này thì chính bản thân tôi cũng cảm thấy áy náy vì những lúc phải giải thích với con gái mình rằng đã đến lúc kết thúc giờ chơi. Nhưng có một ngày nào đó nếu con gái tôi đọc được hay nghe được những dòng này thì tôi muốn cô bé hiểu rằng không có cha mẹ nào từ chối ưu tiên con cái c chỉ là cha mẹ chưa hoàn hảo, cần có thời gian và môi trường để hoàn thiện và mang cho con những điều tốt đẹp hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn mà con xứng đáng được nhận. Tôi cho rằng bố mẹ tôi và bố mẹ các bạn cũng sẽ nghĩ như vậy.  

Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt. 

Quay lại với hình mẫu cô đơn này, thì một điều thường thấy là họ dễ gặp tình huống không dứt khoát trong tình cảm, có lúc thì dễ quen dễ yêu, có lúc thì dễ muốn chia tay rồi lại quay lại rồi lại chia tay. Lúc thì rất nồng ấm lúc thì họ lạnh nhạt nhưng kể cả khi nồng ấm thì thật lòng mà nói tôi không cho rằng họ thực sự hài hòa với cảm xúc của đối phương, có thể có những lúc họ rất chiều nhưng việc thực sự hiểu cảm xúc của đối phương thì tôi không dám chắc. 

Một lời khuyên hữu ích là nếu như các bạn thuộc về hình mẫu này thì các bạn cần phải tìm hiểu rất kỹ bản thân mình và những nét tính cách, tình cảm, hoàn cảnh thậm chí cả xuất thân của gia đình đối tác trước khi bắt đầu một tình yêu, nếu không hạnh phúc với bạn có thể giống như đánh vietlott vậy.

4, Hình mẫu cuối cùng chúng ta cần nhắc đến đấy là hình mẫu của những người có khuynh hướng kiểm soát trong mối quan hệ.

Cảm xúc tiêu cực chủ đạo của họ trong thời thơ ấu là cảm xúc thiếu an toàn và bị bỏ rơi nhưng có một điều có thể nói là tốt cho họ chính là họ có tính phản kháng cao, một năng lượng đặc biệt giúp họ vượt lên khỏi nghịch cảnh. Tuy nhiên, làm đối tác tình cảm của họ thì không phải lúc nào cũng là trải nghiệm dễ chịu. 

Có một điều tuyệt vời khi ở bên họ là họ có khả năng tự chăm sóc bản thân, và nhân tiện thì họ cũng chăm sóc tốt cho người ở cạnh họ với điều kiện là bạn đủ ngoan. Tác dụng phụ của việc gồng lên trước nghịch cảnh đó là họ luôn cố gắng kiểm soát nỗi bất an, đến mức họ trở thành bạn thân với nó. Công cụ họ thường sử dụng để kiểm soát nỗi bất an, không may thay chính là sự giận dữ, không phải lúc nào họ cũng nhận ra giận dữ là tiêu cực và một cách vô tình hay cố ý họ sử dụng “cây gậy” nhiều hơn là “củ cà rốt”. Ở họ thường có sự đòi hỏi cao từ đối tác, nghi ngờ và kiểm soát tất cả những điều đó khiến họ thường không thấu hiểu cảm xúc của đối phương. 

Nếu được đưa ra lời khuyên thì tôi muốn gửi gắm một lời khuyên rằng để tốt cho các mối quan hệ tình cảm nói chung đặc biệt là quan hệ yêu đương hôn nhân thì mong họ cố gắng trở nên bao dung, hãy bỏ qua những sai lầm không quá nghiêm trọng, tin tưởng vào tình cảm của đối phương, tin tưởng rằng với một người yêu họ chân thành thì người đó sẽ tìm cách thay đổi để nâng cao giá trị bản thân cho phù hợp với họ. Nhưng tất cả mọi thứ đều cần thời gian để phát triển, và việc của họ là kiềm chế những cảm xúc, những phản ứng tiêu cực để dành năng lượng, nguồn lực thời gian cho những sự phát triển đó.

Cuối cùng thì tôi muốn nói về một hình mẫu không nằm trong số 4 hình mẫu bất ổn kể trên mà là hình mẫu có sự kết nối tình cảm lành mạnh.

Những người trong hình mẫu này thường có những đặc điểm như: họ có cảm xúc rõ ràng và tự tin, họ có sự cảm thông, sự cảm nhận tình cảm và sự đồng cảm sâu sắc với đối tác của họ. họ tìm được sự an toàn, tin tưởng, không sợ hãi về tương lai cũng không sợ hãi khi nghĩ về việc bị lừa dối, họ có thể ghen như không nhiều, họ đối xử công bằng với đối phương, đánh giá đúng những gì người đó làm được, không quá thổi phồng thành quả, không phớt lờ đi những nhược điểm mà đánh giá đúng để cùng nhau phát huy những điểm mạnh, sự công bằng và khắc phục những điểm chưa tốt. Bởi vậy, trong cuộc sống của họ có rất nhiều sự quan tâm, họ và đối phương có sự quan tâm chân thành và được quan tâm chân thành. 

Tất cả mọi người đều xứng đáng có một sự mối quan hệ tình yêu lành mạnh, và ít nhiều trong tình yêu chúng ta đã từng có những thời điểm bên nhau xây dựng những kết nối lành mạnh. Quá khứ không phải là tất cả, Môi trường gia đình là một trong những điều quan trọng hình thành nên chúng ta nhưng chúng ta của ngày hôm nay mới quyết định rằng ngày mai của mình sẽ như thế nào. Các vết sẹo có thể biến thành những hình xăm đẹp đẽ, giúp ta hiểu và trân quý cuộc sống này hơn. 

Chúng ta cần kết nối với quá khứ để hiểu về chính mình và hoàn thiện mình ở hiện tại để bước tới một tương lai tốt đẹp hơn. Ai cũng xứng đáng được yêu nhưng nếu không tìm được đúng người để yêu thì ít nhất chúng ta vẫn có thể tự yêu bản thân mình. Và kể cả khi có được một người tuyệt vời để yêu thì chúng ta vẫn phải yêu bản thân mình để xứng đáng với tình yêu người đó dành cho mình. 

— Hoàng Trung —