Câu chuyện hai người tiều phu và những chiếc rìu dưới góc nhìn tâm lý học

06 Tháng 03, 2023 Tác giả: admin

1, Chuyện kể rằng…

Hẳn nhiều người từng đọc câu chuyện này rồi, khi còn nhỏ chắc hẳn ai cũng nghĩ đây là một câu chuyện đơn giản khuyên chúng ta phải thật thà, không nên dối trá, nhưng đến một ngày tôi chợt nhìn thấy có những giá trị ẩn dụ bên trong nó. Chuyện kể rằng:

Một ngày nọ, người tiều phu đến rừng gần bờ sông để chặt củi. Trong khi đang làm việc, anh ta đột nhiên bị tuột tay làm cho chiếc rìu rơi xuống sông. Vì nước chảy xiết, chiếc rìu đã bị cuốn trôi đi. Ngồi trên bờ sông, tiều phu than khóc tủi hờn, tiếng khóc của anh ta đã kinh động đến một vị thần. Ông Bụt hiện lên và nói…

  • “Vì sao con khóc?”

Tiều phu kể lại rằng chiếc rìu là tài sản duy nhất của anh ta và đã rơi xuống sông mất rồi.

Ông Bụt bước xuống sông và sau một lúc, ông ta trở lên với một chiếc rìu bằng vàng trong tay. Bụt hỏi tiều phu rằng liệu chiếc rìu đó có phải của anh ta không? Tuy nhiên, tiều phu đã từ chối và nói rằng không phải của anh ta. Bụt tiếp tục lặn xuống sông và trở lại với một chiếc rìu bạc. Lần này, người tiều phu tiếp tục từ chối và nói nó không phải chiếc rìu của mình. Bụt lại lặn xuống sông thêm một lần nữa…

Và sau đó lên bờ với một chiếc rìu bằng sắt trong tay. Khi nhìn thấy chiếc rìu của mình, tiều phu rất vui mừng và nói rằng đó là chiếc rìu của anh ta.
Sau đó ông Bụt tặng cho anh ta cả chiếc rìu vàng lẫn bạc.

Tiều phu quay trở về làng và kể lại câu chuyện cho mọi người. Một tiều phu khác nghe về câu chuyện này và bị nổi lòng tham. Anh ta quyết định thử vận may và ném chiếc rìu của mình xuống dòng sông chảy xiết. Sau đó, anh ta ngồi khóc lóc ầm ĩ. Bụt lại hiện lên và hỏi:

  • “Vì sao con lại khóc?”

Tiều phu đáp rằng chiếc rìu của anh ta đã bị rơi xuống sông và không tìm thấy nó nữa.

Ông Bụt cũng lặn xuống sông và mang lên chiếc rìu bằng vàng, hỏi có phải của anh ta không? Anh ta vội vàng mừng rỡ nhận chiếc rìu là của mình. Bụt biết anh ta đã nói dối và biến mất và không cho anh ta chiếc rìu nào cả. Cuối cùng anh ta mất chính chiếc rìu kiếm cơm của mình mà không nhận được bất kỳ điều gì.

2, Cây rìu, nước mắt, và những hình ảnh ẩn dụ

Chiếc rìu vàng đại diện cho những khát vọng quyền lực. Chiếc rìu bạc đại diện cho tham vọng tiền tài, ham muốn vật chất. Và cuối cùng là chiếc rìu sắt đại diện cho những thứ thuộc về chính mình, là những năng lực, nhận thức, tư duy của mình.

Người tiều phu thứ nhất, biết rõ bản thân mình, nhận thức chính xác những gì mình có và những mong muốn của mình. Anh ta kiên quyết chọn cây rìu sắt chứ không phải những cây rìu khác. Bởi vì anh ta biết mình muốn gì, mình cần làm gì, mà không quan tâm tới những thứ anh không có. Có cây rìu của mình trong tay, anh ta vui vẻ với những việc mình làm, vui vẻ với những thành tựu của mình, không so bì, không ghen tị, đây chính là anh ta đạt được tự do cảm xúc, đây chẳng phải là điều những bậc tu hành muốn truyền đạt cho thế nhân hay sao?

Nhưng rồi, anh ta làm mất. Anh ta khóc khi chiếc rìu rơi xuống sông. Là lúc anh ta nhận ra đã đánh mất chính mình, cảm nhận được những năng lực của mình không còn nữa. Trong cuộc sống ai cũng có những lúc yếu lòng, gục ngã trước những khó khăn. Anh ta khóc vì anh ta hiểu giá trị những gì anh ta đã từng có, khóc dưới một góc độ nào đó là một phản ứng lành mạnh.

Trong cuốn sách: “Can đảm: biến thách thức thành sức mạnh”, Osho từng viết: “Đừng ngừng khóc. Nếu bạn không khóc, tâm hồn bạn sẽ khô cứng”. Đó là sự khô cứng của một người bị giữ lại trong lòng mình, không thể thể hiện, không thể truyền tải cảm xúc của mình cho người khác. Khi bạn khóc, bạn mở rộng trái tim của mình, bạn cho phép tình yêu và sự nhận thức xâm nhập vào cảm xúc của bạn. Khóc không chỉ là sự thả lỏng, mà còn là sự tiếp tục và sự sáng tạo. Nó là một dòng chảy, một ánh trăng tràn đầy trong tâm hồn của bạn.”

Bụt hiện lên, là hình ảnh thần thánh hóa dòng chảy và ánh trăng cảm xúc ấy. Buddha trong ngôn ngữ Ấn Độ cổ nghĩa là “người thức tỉnh” hay “sự thức tỉnh”. Đôi khi chúng ta mong đợi một vì thần tiên nào đó đến và xoa dịu nỗi đau khổ của chúng ta, nhưng chúng ta vốn có những vị thần đó trong chính tâm hồn mình. Chỉ cần ta không quên lãng vị thần đó, chỉ cần ta tin tưởng những vị thần đó, chỉ cần ta thành thật với các vị thần đó, các vị thần đó sẽ giúp ta vén mây mù trong tâm thức để ta tự mình làm được những gì mình phải làm.

Bụt tại tâm! Ngày xưa tôi chỉ đọc thấy ông Bụt, còn giờ đây tôi nhìn thấy cả sức mạnh của những giọt nước mắt. Nhưng sự thành thật không phải lúc nào cũng là dễ dàng, bởi chúng ta thường lo lắng trước nỗi sợ bị đánh mất vị thế, nên cố giấu đi những đau đớn trong lòng mình, đôi khi chúng ta lừa dối người khác, đôi khi chúng ta lừa dối với cả chính bản thân mình.

Người tiều phu thứ hai là ẩn dụ của sự lừa dối đó. Anh ta cũng khóc, nhưng là những giọt nước mắt lừa đảo. Đầu tiên, nỗi sợ bị đánh mất vị thế khiến anh ta cảm thấy tiêu cực khi nhìn thấy người khác hơn mình, anh ta cố tìm cách để đạt được vị thế tương đương mà không tìm hiểu kỹ vì sao người khác làm được như vậy.

Giả dụ anh ta bình tĩnh hỏi tỉ mỉ quá trình của anh tiều phu đầu tiên, thì có lẽ anh ta sẽ có cơ hội tốt hơn để lừa dối Bụt. Nhưng có lẽ sự tham lam đã lấn át lý trí, và anh ta quá vội vàng muốn có thứ không phải của mình. Anh ta đại diện cho những người không biết mình là ai, vội vàng vứt bỏ đi những giá trị của bản thân mình và những gì anh ta nhận được là sự đau khổ.

Trong cuộc sống, không phải lúc nào những cảm xúc tiêu cực đều xuất phát từ những trải nghiệm tiêu cực, mà rất nhiều xuất phát từ những mong muốn không thành hiện thực. Không ít người có trăm tỉ đau khổ vì thấy người khác có nghìn tỉ, người không có tỉ nào đau khổ khi thấy người có trăm tỉ, và người thu nhập thấp đau khổ khi thấy người có thu nhập ổn định. Trong khi đó, có những nhà tu hành vui vẻ đi chân đất vượt qua những ngọn đồi trên con đường đi khất thực trở về chùa.

Khi không hiểu về chính bản thân mình, chúng ta không thể vui vẻ với những gì chúng ta có, bất kể chúng ta có nhiều đến bao nhiêu. Đôi lúc chúng ta quá mải mê phóng đại cây rìu vàng của người khác, trong khi phóng đại những vết xước trên cây rìu cứng cáp của chính mình.

Một bài học đáng giá là chúng ta cần hiểu rõ và trân trọng bản thân mình, đồng thời cần đặt sự chú ý vào công việc của mình, không quá chú trọng vào thành tích hay tài sản vật chất mà bỏ qua giá trị thực sự trong những gì mình làm. Sự hiểu và trân trọng giá trị bản thân và công việc, sẽ giúp chúng ta đạt được những tài sản đáng giá hơn là chỉ tập trung vào việc tích trữ tài sản vật chất, hay chạy theo thành công mà mình không hiểu rõ giá trị bản thân mình.

3, Tôi đã giống người tiều phu thứ 2 như thế nào

Việc thấy một bài học mà không áp dụng được vào bản thân thì thực sự đáng tiếc. Trong tâm lý học, có một hiệu ứng gọi là hiệu ứng Dunning–Kruger, là hiện tượng con nhận thức về bản thân mình cao hơn thực tế. Ai cũng thấy mình giống như tiều phu thứ nhất, chính là lúc mình có thể trở thành người tiều phu thứ hai.

Có không ít lần tôi thấy mình đề cao năng lực của mình, và sau đây là một ví dụ về việc tôi đã mất gần 15 năm mới nhận ra sự thực.

Từ khi làm sinh viên tôi đã thử làm bài test MBTI, công cụ đo lường tính cách do K.Briggs và con gái phát triển dựa trên lý thuyết của nhà tâm lý học Carl Jung. Trong 4 cặp chức năng nhận thức, có cặp chức năng khiến tôi băn khoăn nhất là: T – lý trí, suy nghĩ, phân tích và F – tình cảm, cảm nhận, cảm xúc. Tôi đã tin rằng mình là T nhưng rất nhiều trải nghiệm để tôi biết rằng ẩn sau cái bề ngoài logic thì thứ định hướng tôi đưa ra quyết định là cảm xúc. Cái kết quả T đó chỉ là thể hiện của 1 nhóm bổ trợ, và đôi khi là hình ảnh tôi từng muốn trở thành. Việc xác đính sai bản thân khiến trầm trọng hơn những mâu thuẫn nội tại, định hướng cách làm việc sai, phát triển theo những ngành mang nặng tính chuyên môn – kỹ thuật và không hiệu quả. Nhận thức và giải quyết những vấn đề đó, tôi chuyển sang nghiên cứu về tâm lý và vận mệnh con người, mở ra hướng đi mới cho mình.

Tôi cùng với các cộng sự của mình học tập và phát triển những công cụ đo lường tâm lý, áp dụng cả hình thức trắc nghiệm, và các hình thức phóng chiếu tâm lý, giúp người tham gia không phải đối diện với những yêu cầu nhận xét về bản thân khi chưa thực sự hiểu rõ bản thân, nhờ đó tránh được hiệu ứng tự đề cao Dunning–Kruger. Mang lại cho mọi người những sản phẩm hữu ích và chất lượng, ẩn sau đó là quá trình chữa lành những tổn thương và hối tiếc trong lòng mình.
Cảm thấy những hối tiếc và cảm xúc tiêu cực nhẹ dần khi tôi giữ cây rìu của mình.